CHUYẾN ĐI CŨ KỸ, TRÀN NGẬP THI VỊ...
- Đoàn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
- Jul 23, 2021
- 4 min read
Mấy ngày nay, Sài Gòn của chúng ta trở bệnh…
Vậy nên, nhằm tiếp sức cho thành phố thân thương mau chóng hồi phục, mình tin chắc cả bạn lẫn mình, đều rất sẵn sàng ngoan ngoãn giữ an toàn tại gia, bạn nhỉ? Nhưng đáng tiếc là, điều đó cũng có nghĩa rằng, một cành phượng đã vắng bóng trong bức tranh mùa hoa thứ 16 năm nay - cành phượng thắm đỏ màu hoài niệm, chính là chuyến ghé thăm ba má phong trào.
Chúng mình vẫn nhớ, độ này một năm trước, các chiến sĩ nhiệt huyết, xông xáo đang tề tựu, háo hức cùng nhau đến thăm ba má phong trào - đến thăm một mảng lịch sử hào hùng, để như sống lại trong bao ký ức cũ kỹ, mà lớp trẻ ta còn chưa từng nếm thử. Để rồi hôm nay, dẫu chẳng thể trực tiếp lắng nghe lời tâm tư của các ba, các má như năm ngoái, tụi mình vẫn chẳng ngại lật lại từng trang nhật kí tâm hồn, hòng ôn lại chuyến ghé thăm đáng nhớ của mùa phượng 15.
Năm ấy, ở cái xuân xanh thứ 75, Má Kim Oanh giọng tủi tủi, hồn hậu trải lòng về sức khỏe hiện tại, Má nhắc đến những vết thương dường như đang phản chủ nổi dậy, làm tần suất đau nhức diễn ra thường xuyên hơn, cũng từ đó mà sức khỏe bản thân đi xuống chẳng ít. Và có vẻ, không chỉ mỗi Má Oanh, cả Má Tăng Nữ - chị ruột Má Oanh, nay đã ngoài 80, cũng đang hằng ngày sống cùng sự âm ỉ đầy phiền hà ấy, khi trông Má Nữ cũng bùi ngùi đến lạ. Song, nương theo dòng khắc khoải ngày cũ, hai Má dần dà dắt lũ trẻ chạm đến những dư âm còn sót lại của 4 năm hết mình vì Tổ Quốc, cùng 16 trại giam mà dấu chân của người chiến sĩ giao liên đã xót xa hằn lên.
Không chỉ mỗi Má Oanh, cả Má Tăng Nữ - chị ruột Má Oanh, nay đã ngoài 80, cũng đang hằng ngày sống cùng sự âm ỉ đầy phiền hà ấy, khi trông Má Nữ cũng bùi ngùi đến lạ.
Như cuốn băng phim đã đóng bụi, còn đó những cảnh phim, dù đứt đoạn, nhưng chân thật khôn tả... Nó chẳng phải cái đứt đoạn của trí nhớ, mà là sự ngắt quãng đến từ tâm can. Bởi nhiều lần giọng Má như nghẹn ứ, run run kể về những ngày chôn chân nơi nhà tù Chợ Quán, Má đã nhìn thấy tù binh sống chung với lũ chuột cống, thấy tù nhân Côn Đảo được đưa về, sống dở chết dở, tiếng kêu thảm thiết ‘’Sếp ơi sếp, có người sắp chết!’’, vẫn ở đó, ở trong tâm trí Má, vang lên đầy ai oán.

Má đã nhìn thấy tù binh sống chung với lũ chuột cống, thấy tù nhân Côn Đảo được đưa về, sống dở chết dở, tiếng kêu thảm thiết ‘’Sếp ơi sếp, có người sắp chết!’’, vẫn ở đó, ở trong tâm trí Má, vang lên đầy ai oán.
Nhưng những gì Má thấy, không chỉ dừng lại ở bao khắc nghiệt đáng kinh hãi, mà xa hơn nữa, là ánh sáng Cách mạng đang chiếu rọi nơi tim. Điều đó khiến Má phải nở nụ cười ấm áp khi nghĩ về những năm tháng lăn xả với Cách mạng - một lý tưởng cao cả, một ngọn lửa rực cháy mãnh liệt, đến mức chẳng màng bao lời cấm cản của anh hai, vậy mà Má chỉ khiêm nhường bảo rằng, ấy là một cái ‘’duyên’’. Chẳng ít những lần bị giặc bắt, chúng nó hành hạ, tra tấn, tàn khốc lắm! Nhưng đau làm sao bằng cái nỗi thẹn khi chẳng thể bảo vệ được đất nước, nên hai Má quyết chẳng hé miệng lấy một lần. Chính vì thế, chẳng có gì lấy làm lạ, khi các Má những năm nay được chính quyền địa phương chăm lo đầy đủ về các chính sách thụ hưởng.
Khép lại dòng chảy hồi tưởng… ‘’Tuổi 76 của Má Oanh, liệu có còn mệt mỏi vì các vết thương nữa hay không?’’, ‘’Ánh mắt của Má Nữ, chắc vẫn xa xăm, chực trào khi kể về bao ngày bom đạn?’’ - những thắc mắc như thế, vẫn len lỏi trong chúng mình, cả cái cầm tay thân mật, dặn dò các chiến sĩ phải cố gắng học tập, rèn luyện sức khỏe ở phút tạm biệt ấy, cũng hiện lên với luồng hơi ấm toát ra từ trong trái tim. Nhờ đó, chúng mình giờ đây kiên cường hơn bao giờ hết, để mạnh mẽ gồng mình vượt qua đại dịch - một phần một nghìn của gian lao mà hai Má nói riêng, và bao lớp người đi trước nói chung, đã quả cảm nếm trải, để bạn, để mình, và để chúng ta ngày nay, không phải làm điều đó.
* tất cả hình ảnh được chụp vào tháng 7/2020
Bình luận