ANH THÁI DƯƠNG - MỘT TRÁI TIM, ĐÔI ĐAM MÊ
- Đoàn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
- Nov 19, 2022
- 10 min read
“Tìm về”, nơi trang tuổi hồng tưởng chừng đã cùng cánh phượng tự do phấp phới giữa bốn phương trời bao la. Nay lại tụ họp về đây với chung khát khao: Niềm thương được tỏ.
Tiếp nối cho chuỗi hành trình, chúng mình vui mừng được đón tiếp anh Nguyễn Thái Dương - cựu học sinh Lê Hồng Phong niên khóa 2006-2009, hay với một tên gọi thân thuộc hơn là “Thầy giáo 9x Nguyễn Thái Dương”. Khi tiếng anh và nghệ thuật được dung hòa để tiếp sức cho niềm đam mê cháy bỏng dành cho giáo dục, những nỗ lực sẽ luôn được đền đáp xứng đáng. Hãy theo chân bọn mình đến với nơi khai sinh nên nguồn cảm hứng dẫn dắt đến thành công của anh ngày hôm nay.

ĐAM MÊ ĐẾN TỪ ĐÂU?
Anh thích Britney Spears từ khoảng những năm 90. Từ đó, anh mới bắt đầu nghe nhạc quốc tế rồi hứng thú hơn với tiếng anh. Tới khi học cấp 3, thông qua việc rèn luyện ngoại ngữ cho học sinh, trường tổ chức rất nhiều câu lạc bộ và hoạt động văn nghệ kịch mà bản thân anh là một trong những người của lớp luôn xung phong để tham gia.
Cho nên, có thể nói, chiếc nôi nuôi dưỡng niềm đam mê của anh chính là Lê Hồng Phong.
Nguồn cảm hứng thôi thúc một trái tim song hành đam mê…
Trong dãy liệu hóa chỉ có những kí tự hóa học được sắp xếp một cách rời rạc. Làm sao mình có thể nhớ được khi không có sự liên kết? Thì các thầy cô đã nghĩ ra những câu mẹo để tạo ra rất nhiều liên kết. Điều đó làm cho anh cảm thấy rất là hứng thú. Và không chỉ có môn hóa, trong vật lý hay toán học cũng đều có.
Ngày xưa nhờ những câu vui vui như vậy đã khiến cho anh học đỡ nặng nề hơn. Cũng từ đó, chúng ta thấy rằng thầy cô của mình đã nghĩ ra rất nhiều cách để học trò dễ học hơn. Và khi anh là một người giáo viên, anh cũng chỉ là một hạt cát giữa sa mạc những thầy cô, những người làm nghề giáo dục đang cố gắng nỗ lực làm cho bài học hay hơn. Thế nên anh mới nghĩ đến phương pháp dạy đưa âm nhạc vào bài học.
Hiện tại anh được nhận xét là một trong những thầy giáo có sự ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Video hay những bài post anh đăng đều có lượt tương tác rất cao. Anh nghĩ liệu đó có phải là kết quả của việc theo đuổi đam mê của mình không?
Anh nghĩ là có đó. Về sự ảnh hưởng, thật sự anh rất vui khi em nói về anh như thế, coi như là một sự công nhận về kết quả của mình.
Thật sự anh rất muốn trở thành một người có sức ảnh hưởng ngay khi anh mới chập chững bước chân vào nghề. Và có câu nói của cô Tô Thị Hoài Lan, một cựu giáo viên toán của Lê Hồng Phong chúng ta khiến anh nhớ mãi. Trong một lần huấn luyện giáo viên mới, cô đã hỏi anh và các bạn của anh: “Bạn muốn trở thành gì?”. Lúc đó khi anh còn trẻ, anh chỉ nghĩ đơn giản là muốn được trở thành một người có sức ảnh hưởng đối với học trò. Còn về sau, anh mới có thêm những cảm giác về trách nhiệm này kia chứ lúc đó thì anh chỉ nghĩ như vậy thôi.
Để có được sức ảnh hưởng đó, mình phải lao động, mình phải làm cái mà họ muốn. Mình phải dạy học trò bằng ngôn ngữ mà “chúng nó” đang dùng. Bây giờ chúng nó mê tiktok thì em phải dạy bằng tiktok. Chúng nó mê nhạc trẻ thì em phải dạy bằng âm hưởng trẻ. Chúng nó mê hài thì em phải dạy bằng hài. Chính vì những cái đó cho nên học trò mới đón nhận mình.
KHI GIÁO DỤC TRỞ THÀNH MỘT SỨ MỆNH ĐÁNG TRÂN QUÝ…

Anh cảm thấy thật sự thăng hoa khi anh được dạy cho học sinh - có thể là các bạn nhỏ hay kể cả những người lớn đã trưởng thành. Anh rất tận hưởng cảm giác làm cho mọi thứ tưởng chừng như khó trở nên dễ dàng. Khi em khiến cho một người cảm thấy họ đã từng nghĩ rằng bản thân sẽ không bao giờ làm được, nhưng bây giờ họ lại làm được, em sẽ cảm thấy vui vô cùng. Vì cái đó mà anh mới trả lời ngay cho em đó là con đường giáo dục là nguồn đam mê chính của anh.
Chữ “thầy giáo” anh cũng đã cố tình để trong nghệ danh của mình. Nếu em có theo dõi báo đài, em sẽ thấy “Thầy giáo 9x Nguyễn Thái Dương” là cái mà người ta hay dùng để giới thiệu anh là như vậy. Nếu người ta quên, anh nhắc liền: “Hãy thêm cho tôi chữ thầy giáo”. Điều đó để cho thấy rằng anh luôn luôn gắn bó với cái nghề giáo của anh. Còn đi hát có cũng được, không có cũng chẳng sao.
Anh nghĩ sao về việc giảng dạy đang từ từ thả lỏng, không còn theo rập khuôn mẫu giáo dục? Khi học trò trở thành người bạn đối thoại của cô giáo theo một chừng mực nào đó hoặc mình tiếp nhận những xu hướng của giới trẻ, trao đổi thêm kỹ năng học tập, kỹ năng giảng dạy của mình thì anh nghĩ đó là một hướng đi đang tốt hay đang xấu đi?
Giáo dục là một đề tài rất to lớn còn đang phải tranh cãi. Đối với một người bình thường như chúng ta, mình chỉ có thể là những quan điểm thôi chứ rất khó để phân định như thế nào là đúng hay sai. Anh xin phép được trao đổi chút xíu về quan điểm của mình. Anh sẽ mượn một câu nói của thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi mà anh thấy rất tâm đắc đó là:

Chúng ta được tự do sáng tạo, kể cả trong giáo dục, đó là một điều mà anh rất ủng hộ. Trong âm nhạc, trong nghiên cứu khoa học, trong tất cả, chúng ta phải giữ sáng tạo. Đó chính là cái cội nguồn của những phát minh mới. Việc học trò đối thoại với giáo viên hay học trò tự thiết kế bài hay học trò đi dã ngoại, làm những hoạt động khác với truyền thống thì đều đáng được khuyến khích. Đó là phần cánh chim tung bay.
Còn phần không thể thoát khỏi bầu trời khuôn khổ thì sao? Cho dù sáng tạo đến cỡ nào đi nữa thì cũng không thể thoát khỏi những khung sườn giá trị mà ông bà ta đã xây, đã nghiên cứu và đúc kết.
Anh hoàn toàn ủng hộ việc sáng tạo đổi mới trong cách học, cách dạy. Nhưng đó phải thật sự là trao đổi với giáo viên và qua đó mình hiểu rõ thêm bài, có được những tư duy phản biện để làm cho bài học của mình chất lượng hơn.
MẠNG XÃ HỘI CÙNG NHỮNG MẶT TRÁI
Lựa chọn mạng xã hội trở thành một nền tảng để phát triển đồng nghĩa với việc anh sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là khi những bài nhạc trên youtube của anh có giai điệu rất êm tai chứ không theo xu hướng như rock, rap... Anh nghĩ mình sẽ cứ thể hiện sở thích, đặc trưng của mình hay nên tiếp nhận thêm theo những xu hướng?
Cả hai luôn em, cái nào cũng có mặt lợi - mặt hại. Anh cập nhật mạng xã hội là để anh biết thêm ngôn ngữ của học trò mình rồi cập nhật, hướng dẫn và dạy phù hợp hơn. Tương tự với tiktok cũng vậy, anh sử dụng tiktok nhưng anh không để mình bị cuốn theo nhiều bởi vì đó không phải là đích đến của anh.
Thật ra trước đây, anh không quá thoải mái với tiktok đâu. Bởi vì anh cảm thấy những nội dung giáo dục thường bị flop trong khi đó những nội dung toxic, không lành mạnh thì lại được lên xu hướng. Những nền tảng mạng xã hội như vậy khi mà ảnh hưởng lớn đến công chúng thì sẽ định hướng công chúng đi theo hướng xấu.

Vậy thì anh cũng có một kênh tiktok, anh cứ trồng những giá trị mà anh cho là đẹp. Anh tin là vẫn sẽ có những người nhận thấy điều đó và dũng cảm đứng lên làm theo. Rồi khi có nhiều người định hướng được tiktok nói riêng và mạng xã hội nói chung thì chúng ta có thể định hướng được công chúng về lại với những giá trị tốt đẹp.
Vậy thì tiktok là một con dao hai lưỡi và rõ ràng hiện tại phần toxic của nó có quá nhiều. Anh nghĩ nếu là một cá nhân nhỏ lẻ nhưng anh có quyền được nói lên thì anh sẽ đề ra hướng giải quyết nào để học sinh vẫn có thể được tiếp nhận những kênh giải trí sau giờ học?
Thật ra cái gì nó cũng là con dao hai lưỡi hết trơn á. Ngày xưa, em cứ cho là sách vở là hoàn toàn tốt nhưng đâu phải đâu. Sách vở cũng là một con dao hai lưỡi, đọc sách quá nhiều người ta có cái chữ “mọt sách” đó. Thì bây giờ tiktok khi mà mình cởi mở hơn thì nó cũng sẽ có những cái mặt trái của nó. Thời đại nào cũng có chứ không phải bây giờ mới có. Cho nên mình cũng không phải quá lo lắng chuyện đó.
Còn đối với hướng giải quyết thì thật ra bây giờ đã có rất là nhiều những content sạch được cho lên xu hướng rồi. Những phong trào như học cùng tiktok, learn on tiktok đã được lên rồi. Và bây giờ người ta bắt đầu báo cáo, report những nội dung xấu, chửi nhau… Chúng ta thấy rằng đó là định hướng của nước nhà. Những sở văn hóa truyền thông họ đã làm rất tốt việc đó. Trong tương lai cũng sẽ như vậy mà thôi.
LÊ HỒNG PHONG - HỒI ỨC ĐÃ XA
Theo như bài đăng của anh trên facebook thì cá nhân anh đã từng trở về trường, trình diễn ca khúc dành riêng cho Lê Hồng Phong gần đây. Cảm xúc mỗi khi anh hát anh có nhớ lại về “mối lương duyên trắc trở” của mình không?
Hôm đó, anh có dịp hát bài hát đó ở trường mình thì cảm xúc nó không có nhiều là bởi vì anh có một áp lực khác. Anh có những áp lực công việc nên cảm xúc của anh không thể hoàn toàn như anh mong muốn. Còn những lúc anh cảm xúc nhất thì những lúc đó lại không phải là khi anh trình diễn mà là khi anh hát một mình.
Anh rất mong muốn có dịp được quay một video kỷ niệm tại trường Lê Hồng Phong. Kịch bản anh đã có trong đầu từ rất lâu rồi và anh chỉ chờ ngày được làm nhưng nó rất trắc trở. Lúc thì anh không xin được giấy phép để vào, lúc thì mùa dịch, lúc thì này kia, có rất nhiều lý do để ngăn trở anh. Tới lúc cô hiệu trưởng đã cho phép anh vào để quay phim thì lúc đó, các cây phượng ở trong trường lại được cắt ngắn để phòng tai nạn mùa mưa bão, phải đợi khi nào mấy “em nó” dài ra thì mới quay được.
Nhưng anh vẫn tin ngày đó sẽ tới. Anh cứ nghĩ đến cái ngày đó quài, rõ ràng nó đã đến từng bước một. Anh rất tin rằng không lâu nữa đâu, anh và các bạn sẽ cùng nhau xuất hiện trong video đó.
Vậy thì nếu bây giờ mình có một cỗ máy thời gian, quay về cấp 3. Và đúng như mọi ngày, mình đi học, mình bước vào lớp thì anh sẽ chạy đến ôm vai của người bạn nào đầu tiên?
Thời học sinh, ta được xếp vào trong một lớp, chứ không được chọn. Và chính những cái tình cờ đó đã khiến cho chúng ta có bạn bè cùng lớp và những sự liên kết. Nhưng khi không còn sự gắn kết bắt buộc đó nữa thì mỗi người lại đi theo định hướng của riêng mình. Bạn bè của anh ở trong Sài Gòn nhưng rất nhiều người chúng ta không thể nào nói chuyện như thuở tụi mình còn là học trò vì có những cái khác biệt ở trong cuộc sống.
Cho nên nếu như được quay trở về thời học sinh, anh cũng chỉ đơn giản là sống lại những kỷ niệm ngày xưa, được ngồi trong đó, đóng vai một học sinh hồn nhiên, sợ sệt chứ chẳng mong sẽ làm gì hơn.
Và giờ sẽ là câu hỏi cuối dành cho anh. Anh, với vị trí của một tiền bối, sẽ muốn nhắn gửi điều gì mà anh đã đúc kết được từ 3 năm học cấp ba và cả những năm sau đó nữa cho tụi em.
Thật sự khi nhắc về học sinh Lê Hồng Phong, từ lúc anh vô trường cho tới bây giờ, lúc nào anh cũng có một sự hãnh diện. Tụi em có hãnh diện khi là học sinh LHP không? Trước giờ vẫn vậy, đây là trường chuyên. Mặc dù anh học cũng dở thôi, không có giỏi nhưng mà học sinh LHP dù học lớp nào, thứ hạng nào trong lớp đi nữa thì khi bước ra khỏi trường, người ta đều nhìn mình một cách nể nang.
Cho nên để nhắn gửi cho các hậu bối thì anh muốn duy trì sự tự hào đó, rất hãnh diện khi chúng ta được là đồng môn của nhau trong ngôi trường này.
---------------------------------------------------
Cảm ơn anh Thái Dương vì đã đến và trở thành một phần của “Tìm về”. Hôm ấy không còn là buổi phỏng vấn đơn thuần, mà đã trở thành một buổi tâm tình giữa người anh lớn dày dặn kinh nghiệm cùng đàn em nhỏ. Ấm áp và thoải mái lắm!
Mong với niềm đam mê giáo dục cháy bỏng, anh sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công rực rỡ trên đoạn đường mình chọn. Và khi cần, nơi anh đã gửi gắm phần thanh xuân đẹp nhất của mình vẫn luôn ở đây, nguyện trở thành nơi để niềm thương, niềm nhớ được tỏ. Dẫu có đi xa đến đâu, Lê Hồng Phong luôn là nơi để “Tìm về”.
Comments