CHỊ DƯƠNG PHẠM - KHI DU HỌC CÒN LÀ CHU DU, KHÁM PHÁ.
- Đoàn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
- Nov 5, 2022
- 9 min read
Xin chào mọi người. Chị tên thật là Thuỳ Dương, nhưng thường được các bạn gọi với danh xưng “Dương Phạm” trên các nền tảng mạng xã hội. Chị từng là du học sinh Úc hiện đang là một nhà sáng tạo nội dung và chị vô cùng vinh hạnh khi nhận được lời mời tham gia “Tìm về”. Còn bây giờ thì hãy cùng đoán xem “bà Dương” sẽ mang đến điều gì bất ngờ trong bài phỏng vấn số này nhé!

XỨ SỞ CHUỘT TÚI VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN LI KÌ
Những ngày đầu sang Úc, chị không đến sống tại thành phố lớn mà “phi thẳng” đến một thị trấn nhỏ luôn vì thế mà ngôi nhà chị thuê cũng khá gần rừng, mỗi lần nhìn ra khung cảnh bên ngoài thì y như mình đang về quê vậy đó (cười). Phải mất gần 2 - 3 tháng mới khiến chị hòa nhập được với cuộc sống nơi xứ người.
À còn thời tiết khác "một trời một vực" nữa chứ. Ban đầu chị cũng "ghét" lắm vì mùa đông của Úc lại rơi vào mùa hè của đa số các quốc gia khác. Lúc mới sang, khi đứng trước cái lạnh 12-13 độ như vậy, chị cũng bị “sốc” nhiệt đôi chút. Nhưng khi đã dần quen thì chị nhận ra rằng "Ồ, ăn Giáng Sinh mùa hè cũng vui chứ nhỉ?", bởi lẽ sẽ có rất nhiều lễ hội thú vị, địa điểm thu hút để mọi người trải nghiệm - đối với cá nhân chị là Nhà hát Con Sò và Chinatown.
“CÚ SỐC” ĐẦU ĐỜI CỦA NGƯỜI CON XA XỨ
Thời gian đầu sống ở Úc chị cứ ngỡ mình đang đi du lịch vậy nên cái gì mình cũng quy đổi ra tiền Việt Nam hết, chỉ khi chị bắt đầu đi làm, biết các mệnh giá thì những việc như vậy ít xảy ra hơn.
Hồi trước, một sự cố không may đã xảy đến với chị: chị bị gãy chân. Ở thời điểm đó chị sống rất gần với Sydney, giống như việc mình đi từ Vũng Tàu lên Sài Gòn chơi vậy đó (cười), nên từ đó quyết định chuyển lên thành phố lớn sống luôn để tiện gần bạn bè. Trộm vía rằng khi chị gặp tai nạn thì bao giờ cũng có bạn bè đi cùng hết, nhưng với đứa “một thân một mình", đang đi học, đi làm bình thường bỗng bị gãy chân, nằm ở nhà, không có kiếm tiền được rồi nào là vấn đề tiền nong, viện phí mình cũng phải tự chi chứ không có bảo hiểm như người Úc, những chuyện đó khiến chị thiệt sự cảm thấy hoảng đến mức không dám báo với gia đình.
Gia đình lúc nào cũng thường trực trong tâm trí của chị, dù đi xa đến đâu thì "dăm ba bữa" chị lại gọi điện về nhà để cập nhật tình hình nên chị nghĩ cũng tương tự như mình mới gặp trực tiếp họ ngày hôm qua vậy đó. Còn đối với một người bạn thân từ năm cấp hai của chị thì tụi chị không có nói chuyện, nhắn tin với nhau quá nhiều nhưng mà mỗi lúc gặp lại nhau thì vẫn thân như ngày xưa. Vì thế chị nghĩ việc nhắn tin hay gọi điện cũng là một điều cần thiết, nhưng nếu thực sự đó là một mối quan hệ thân thiết thì mình không nhất thiết phải liên lạc mỗi ngày.
Còn chuyện phân biệt chủng tộc mà các bạn du học sinh thường gặp phải thì chị cảm thấy ở đây họ không thể hiện ra mặt quá nhiều. Tất nhiên sẽ có người này người kia, song chị nghĩ Úc là một nước đa văn hóa, đa chủng tộc nên họ cũng tỏ thái độ "chào đón" đối với những người ngoại quốc.

CƠ DUYÊN ĐẾN VỚI SÁNG TẠO
Thời điểm bùng nổ dịch Covid, mọi người phải người ở nhà, chị có thêm nhiều thời gian để suy nghĩ về cuộc sống này, về việc mình cần phải điều gì đó mà ngay cả lúc mình bệnh tật mình vẫn có thể làm việc, mình vẫn có thể tạo ra đồng tiền. Sau khoảng thời gian dài suy nghĩ thì chị bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng Tiktok vì nó đang "trending" (thịnh hành) nhất vào thời điểm đó. Tiktok của những năm tháng đó có rất nhiều bạn chia sẻ về du học Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhưng Úc thì chưa có ai khai thác hết. Chính từ điều đó nên chị chỉ lấy những điều chân thật xảy ra xung quanh mình rồi chia sẻ lại.
Những video hướng dẫn các thủ tục, soạn hành trang thì chị chủ động thu thập thông tin từ một nhiều người bạn, sau đó tổng hợp lại và bổ sung thêm những điều cá nhân mình thấy cần thiết rồi làm video để mọi người có một cái tài liệu tham khảo để cân nhắc, chỉ tiếc là thời điểm chị gặp tai nạn chị chưa làm Tiktok nên không có những nội dung chân thật về vấn đề tai nạn, bị thương tật ở nước ngoài,... sẽ như thế nào.
Chưa bao giờ chị nghĩ mình sẽ trở thành gương mặt nổi bật hay kiếm tiền từ mảng này, nhưng đúng là một phần nào chị có dự định để cho nhiều người biết mình hơn, để mình sẽ có nhiều hướng đi ở trong tương lai. Vì mình theo thiên hướng sáng tạo nên lúc nào não chị cũng phải tiếp tục "chạy chạy chạy", suy nghĩ những nội dung tiếp theo sao cho hay hơn để khiến kênh của mình sẽ càng ngày càng đi lên.
BẬT MÍ NHỮNG BÍ MẬT - DƯƠNG PHẠM VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CÓ THỂ BIẾT
Chị là kiểu người không nghiêng hẳn về một thái cực nào hết, tức có nghĩa là vừa hướng nội, vừa hướng ngoại á, nhưng có lẽ phần hướng ngoại của chị sẽ “nhỉnh” hơn một chút xíu (cười). Trừ những lúc khi bản thân gặp vấn đề thì chị muốn khép mình lại còn ngoài ra những lúc chị ra ngoài gặp bạn bè, những người mới thì chị rất thoải mái, vui vẻ bởi lẽ chị thích giao tiếp, trò chuyện, kết thân với người lạ. Nhưng cũng tuỳ trường hợp, đối với người mình gặp nhưng cảm thấy không hợp thì chị cũng sẽ hơi dè chừng một chút xíu.
“Ủa bà Dương, hôm nay bà đi đâu vậy”
“Dừng lại”
Ban đầu đó cũng chỉ đơn thuần là một chữ "Dừng lại" bình thường thôi nhưng sau khi tình cờ chị học kĩ năng "echo" (tiếng vang), và chị thử áp dụng vào chữ "Dừng lại" thì nhận được phản ứng rất tốt từ mọi người. Còn "Ủa bà Dương” thí nói trắng ra bản thân chị khi nói chuyện với mọi người thì chị cũng hay "Ủa" lắm, gặp điều gì cũng "Ủa cái này, ủa cái kia" như một thói quen vậy đó và rồi dần đà cũng vô tình trở thành vẻ “nhận diện” riêng của chị.
DU HỌC VÀ ĐỊNH CƯ - HAI Ý NIỆM TÁCH RỜI
Chuyện định cư là điều không nằm trong kế hoạch của chị, ngay từ việc chọn ngành là chị đã xác định mình sẽ không ở đấy được. Chị nghĩ rằng nơi nào bạn cảm thấy bản thân sống được đúng với đam mê và tạo ra được nhiều giá trị nhất thì đó chính là nơi đáng sống nhất. Chị nghĩ đó là do quan điểm cá nhân của mỗi người - họ cảm thấy đâu tốt hơn thì họ sống nơi đó thôi. Hầu như mọi người đều sẽ nghĩ ưu tiên lựa chọn những cái tốt nhất cho bản thân mình trước. Chị không có quan niệm phải sống ở nước ngoài mới tốt hay ở Việt Nam là không tốt. Theo suy nghĩ của chị, định cư là một sự lựa chọn của cá nhân, không nên đánh đồng với việc hạ thấp bất cứ điều gì (điều kiện, quốc gia,...).

CHUYỆN TƯƠNG LAI
Mục đích chính của chị từ khi bắt đầu gầy dựng kênh chính là khai thác khía cạnh giáo dục và truyền cảm hứng cho các bạn nhìn xa ra ngoài thế giới để có thêm góc nhìn khác, tư duy khác về cuộc sống nên chị sẽ không chỉ đơn thuần dừng lại ở những nội dung Tiktok như thời điểm hiện tại. Không chỉ gói gọn tại Úc mà sau này chị muốn mở rộng ra nơi khác, ví dụ như: Singapore, Mỹ, Canada,…hay cũng có thể là các môi trường quốc tế ngay tại Việt Nam. Tất nhiên những đất nước khác nhau sẽ có rất nhiều điều mới lạ riêng và chị ước mơ được trải nghiệm nhiều nền giáo dục nhất có thể.
Chị sẽ không lựa chọn học thạc sĩ, tiến sĩ hoặc là những khóa học dài hạn vì nó sẽ tốn khoảng thời gian dài mà thay vào đó sẽ chọn những khóa học ngắn hạn. Tuy ngắn nhưng nó đủ để chị có thể hiểu rõ thêm về cuộc sống bản địa thay vì cuộc sống du lịch. Có hai quốc gia chị muốn đặt chân đến để du học: Thứ nhất là Singapore vì nó rất gần với Việt Nam. Thứ hai là Dubai vì đó là một quốc gia mà mọi người thường gắn với sự xa hoa, nhưng đằng sau đó chị nghĩ ắt hẳn sẽ khác. Theo chị thấy thì "content" về Dubai hay Singapore khá ít người làm nên chị muốn chia sẻ về những điều đó.
LỐI ĐI NÀO CHO VIỆC GIỮ CHO MÌNH “CÁI CHẤT” RIÊNG?
Chị nhận ra rằng, chỉ khi nào mình bị một bên nào khác chi phối thì nội dung của mình mới trở nên cứng nhắc thôi, còn bản thân chị chỉ muốn hướng tới đúng nghĩa từ "đời thường". Chị hy vọng điều đó sẽ vẫn giữ được tính cách của mình, dù có đi tới đâu hay làm điều gì.
LÊ HỒNG PHONG LÀ MỘT TRONG NHỮNG ĐIỀU CHỊ TỰ HÀO
Đối với chị thì kỉ niệm nào cũng đẹp hết (cười). Về căn bản, chị nghĩ trường cấp hai, cấp ba, hay đại học thì môi trường học tập lúc nào cũng mang màu sắc bình yên, rất trong sáng.
Bình thường khi nhắc tới "Lê Hồng Phong" thì chị sẽ nghĩ ngay tới những hoạt động của trường đó, ví dụ như "Hội Xuân", "Đồng Khởi", hay "Hạ về" nè,... bởi vì độ hoành tráng cũng như vai trò cầu nối giữa các bạn học sinh với nhau, hay giữa nhà trường với các bạn. Chị nghĩ đây là một môi trường rất tốt để các bạn học sinh phát triển toàn diện về cả học tập lẫn các kĩ năng thực tiễn.
"Lê Hồng Phong" đã cho chị những người bạn tư tưởng lúc nào cũng cầu tiến, tiếp thêm động lực cho chị phấn đấu học hành. Lê Hồng Phong cho chị một góc nhìn khác về những bạn học giỏi. Không phải là họ chỉ có chăm học mà họ còn có thể làm được nhiều thứ khác. Họ cũng có một cuộc sống rất là bình thường, thậm chí chơi cũng rất "sung". Không phải lúc nào mình cũng học, không phải lúc nào mình cũng chơi mà mình phải làm hai cái đó cân bằng với nhau để cho cuộc sống của mình không bị áp lực quá. Dĩ nhiên điều đó cũng tác động đến chị khi đi du học, chị cũng không tập trung vô học toàn thời gian mà còn phải chơi, phải trải nghiệm cuộc sống. À, còn một điều nữa. Khi mà ai nghe tới "dân Lê Hồng Phong" thì bản thân mình cũng cảm thấy tự hào nếu có một người nào đó bắt chuyện "Ôi mình cũng là cựu học sinh Lê Hồng Phong nè" bởi lẽ sự gắn kết giữa các mối quan hệ, kiểu như “bắt” được “nhịp á, khi đó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đó là điều mà Lê Hồng Phong đã cho chị: một cái danh và sự tôn trọng của nhiều người vì họ biết là mình cũng là một người có học thức.
Năm lớp 12 là quãng thời điểm chị muốn quay về nhất bởi lẽ đó là năm cuối cùng của thời học sinh và cũng có rất nhiều hoạt động trong trường mà chị đã bỏ lỡ… Nếu có thể, chị sẽ tham gia nhiều hơn để những kỷ ức, những kỷ niệm dưới mái trường của chị sẽ càng thêm đậm sâu.
---------------------------------------------------
Vậy là đã khép lại chương 1 của mùa “Tìm về” năm nay rồi. Xin chân thành cảm ơn chị Dương Phạm đã dành một buổi chiều đầy ngọt ngào để chia sẻ những trải nghiệm cuộc sống một cách vô cùng tích cực như cách chị đối mặt với cuộc đời vậy. Hi vọng rằng câu chuyện của chị sẽ truyền cảm hứng và động lực cho các bạn học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Chúc chị sẽ thật thành công với con đường mình đã chọn.
Comments