ANH THANH NHÂN - KHI TRẢI NGHIỆM LÀ MỘT "CHIẾN LỢI PHẨM".
- Đoàn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
- Sep 21, 2021
- 10 min read
Anh là Thanh Nhân, một mảnh ghép đến từ niên khóa 13-16 của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Anh từng là du học sinh Mỹ trong 4 năm, và hiện tại, anh đang sinh sống và làm việc tại Luân Đôn - Anh Quốc, anh đã vô cùng hào hứng và bất ngờ khi nhận được lời mời tham gia “Tìm về”. Đến với kỳ cuối, hãy cùng anh “chốt đơn” chuỗi phỏng vấn bằng những chia sẻ xoay quanh việc học tập, định hướng tương lai và cả nghề tay trái “Youtuber” đầy thú vị nha!

Anh nhớ, ngày trước, hồi học cấp 2 ở trường Kim Đồng, anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ vào Lê Hồng Phong. Có một điều khá thú vị là anh học lớp chuyên Anh, thi đội tuyển Địa nhưng cuối cùng lại điền vào đơn nguyện vọng tuyển sinh môn chuyên là Ngữ Văn. Là bởi lúc đó, trong các giáo viên bộ môn cô Văn là giáo viên duy nhất hỏi lớp anh nếu có ai muốn vào Lê Hồng Phong thì cô sẽ giúp. Anh đã đứng lên ngay sau khi nghe cô hỏi và từ đó là bắt đầu quá trình ôn tập cùng cô thôi! Lúc anh nhận được thông báo mình đỗ vào trường, trùng hợp là anh cũng đang trong trại hè Thanh Đa. Cảm xúc anh lúc đó lẫn lộn lắm, đương nhiên là có vui mừng nhưng thoạt đầu anh còn choáng và cũng lo sợ đủ điều, vì trường cấp 2 của anh cũng chỉ có 3-4 bạn đậu thôi, anh hết hồn vì không nghĩ một người chỉ chuẩn bị thi vào 1 2 tháng cuối như anh lại nằm trong số ít bạn đó. Cơ mà ngày đầu tiên đặt chân vào Lê Hồng Phong để nộp hồ sơ với ba mẹ, trong đầu anh vang lên câu “Ôi trường đẹp quá” không biết bao nhiêu lần và sau hôm đó, anh cực kỳ háo hức lên dây cót sẵn sàng cho một hành trình mới tại Lê Hồng Phong!
"HAI NĂM Ở TRƯỜNG DÙ RẤT TUYỆT, NHƯNG VẪN CHƯA ĐỦ"
Quãng thời gian ở trường đẹp dữ lắm, vì anh được trải nghiệm rất nhiều điều mới lạ, anh nhận thấy bản thân đã thay đổi khá nhiều sau khi vào Lê Hồng Phong, và đáng mừng đều là theo hướng tích cực cả. Tuy vậy, do phải bay sang Mỹ trước khi lên 12, nên anh không có cơ hội được tận hưởng trọn vẹn 1000 ngày tại Phong Lê.
Hai năm ở trường với anh dù rất tuyệt, nhưng anh nghĩ là vẫn chưa đủ.
Anh không hối tiếc vì mình đã đi du học sớm, nhưng anh vẫn có chút bùi ngùi vì đã không dành đủ thời gian ở Lê Hồng Phong.

Cơ mà không sao cả, vì trên chuyến hành trình khuyết mất chặng cuối này, anh vẫn đã kịp làm được rất nhiều thứ!
Anh tham gia văn nghệ, các CLB - Đội - Nhóm như Kỹ Năng Cộng, Công Tác Xã Hội,... nói chung là, có hoạt động gì anh cũng tham gia hết! Cấp 3 của anh tại trường, có lẽ chơi nhiều hơn là học, hơi kỳ lạ nhỉ? Nhưng quả thật là anh chưa bao giờ đặt nặng việc học khi ngồi trên ghế trường mình hết, cũng không biết là do tâm lý sắp đi du học, hay do cảm thấy có quá nhiều bạn giỏi đi, dù mình cố gắng cũng không “đua kịp” nữa *Cười*. Ngoài ra, vì là một phần của đội tuyển Địa, anh may mắn được các thầy cô tạo điều kiện lấy điểm tốt, thế nên, anh thực sự đã rất hạnh phúc và hài lòng với quãng thời gian chơi-nhiều-hơn-học tại Lê Hồng Phong đó, hì!
Và cũng chính vì có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ đến vậy tại Phong Lê, nên để không bỏ quên bất kì một ký ức đẹp nào, anh sẽ gói gọn tất thảy mọi hỉ, nộ, ái, ố thấm nhuần hương vị “Lê Hồng Phong” trong ba từ khóa: toàn diện, kỉ niệm và tương trợ. “Toàn diện” anh nói đến, không có ý nghĩa khắc họa bất cứ cá nhân nào là toàn diện hay hoàn hảo. Mà ở đây, anh muốn khẳng định rằng Lê Hồng Phong đã cho anh vốn kiến thức, vốn trải nghiệm về mọi lĩnh vực, và mọi khía cạnh - một cách toàn diện. Không chỉ dừng lại ở các tiết học đơn thuần, mà còn là những bài học rất “đời”, rất mới mẻ, nhưng cũng không kém phần gần gũi. Cũng từ đó mà anh đã tích cóp được từ khóa thứ hai - “kỷ niệm”. Lớp anh lúc đó là lớp D, vì có khá nhiều bạn tham gia văn nghệ, nên tụi anh “hiếu chiến” dữ lắm, mọi người đều mang theo tinh thần “đã tham gia là phải thắng”, nên cuối tuần, cả lớp dành ra hẳn 5 tiếng để tập văn nghệ, mệt thì cũng mệt đó, nhưng sau những giờ phút “lao động” miệt mài, tụi anh chẳng ngại kéo nhau tấp vào quán bánh flan hay tiệm trà sữa, và quên hết đi mệt nhoài, lúc đó thực sự rất vui! Rồi cũng vì là lớp D, nên lớp anh chỉ có duy nhất 5 bạn nam, tới giải bóng đá nam của trường, lại đấu cùng lớp chuyên Lí, mấy đứa tin được không? Đợt đó tụi anh thua có… 29 trái chứ nhiêu, vẫn thắng được 1 trái vinh quang nha *Cười*. Nhưng không đứa nào buồn hay chạnh lòng gì hết, riêng anh thì thấy đặc biệt và buồn cười lắm. Thanh Nhân năm 16 17 tuổi, là một cậu bé nhỏ tí ti, đeo cặp kính trắng, còn trông mũm mĩm nữa, nên các anh chị chung CLB thuở đó, cưng anh như cưng trứng ý! Toán, Lý, Hóa, Sinh,... cứ môn nào không hiểu, các anh chị luôn sẵn lòng dành thời gian để chỉ bài và giúp đỡ anh. Không chỉ tiền bối, mà những bạn bè cùng lớp, cũng luôn niềm nở hỗ trợ lẫn nhau nữa, đó là lý do từ khóa thứ 3 chính là “tương trợ” nè!
Vậy nên, với anh, Lê Hồng Phong là một mái nhà.
Sắp tới, “mái nhà” chuẩn bị đón chào thành viên mới, anh chỉ mong các bạn 2006, dù mục đích ban đầu khi đến với trường của các bạn là gì đi chăng nữa, thì hãy luôn ghi nhớ rằng, 1000 ngày tại Lê Hồng Phong là một hành trình, chứ không đơn thuần chỉ là đích đến, nên hãy lăn xả và trải nghiệm thật nhiều thứ trên chuyến hành trình có gia hạn thời gian này nhé! Chúc các em may mắn!

Từ trước đến giờ, ngay từ lúc còn nhỏ xíu, anh đã luôn ấp ủ ước mơ được đi du học rồi. Thoạt đầu, anh nghĩ mình sẽ bay sau khi hoàn thành cấp 3 tại Việt Nam, nhưng vào Lê Hồng Phong, có lẽ vì lĩnh hội được nhiều thứ mới, tiếp cận được nhiều cơ hội, và làm quen với nhiều bạn bè có chung mục đích, nên anh tự hỏi: “Tại sao mình không thử đi sớm hơn nhỉ?”, và cuối lớp 10, anh đã chính thức nghiêm túc làm các giấy tờ để chuẩn bị đi du học.
Xa quê nhà nửa vòng Trái Đất, anh đã gặp kha khá những cú “sốc văn hóa” hồi còn “chân ướt chân ráo”. Đơn cử là, mỗi khi chào giáo viên, anh hay theo thói quen cúi gằm mặt xuống, chắc anh gập đầu tận 90 độ luôn ý! Thầy cô ai ai cũng ngạc nhiên, kiểu không hiểu được anh đang cố làm gì, dù anh chỉ đơn giản là đang chào giáo viên thôi, mắc cười lắm! Mặt khác, không phải lần sốc văn hóa nào cũng vô hại như điều anh vừa kể. Anh nhận thấy ở phương Tây, người ta sẽ sống theo văn hóa “đơn lẻ”, còn nước mình thì ấm áp hơn, thiên hướng “gia đình”, quây quần nhiều hơn. Anh còn ở một mình nữa, nên thoạt đầu không thể tránh khỏi cảm giác đơn côi. Dù sau này anh đã có thêm nhiều bạn, thì thỉnh thoảng, quan niệm của các bạn lại khá khác biệt so với anh, nên anh cũng thấy lạc lõng một tẹo.
Còn một khó khăn nữa, mà anh nghĩ ai cũng sẽ vấp phải, đó là “rào cản ngôn ngữ”. Tuy đã cố gắng học rất chăm chỉ ở Việt Nam, qua Mỹ anh vẫn bị choáng vì người bản xứ nói rất nhanh, họ còn dùng các từ lóng địa phương nữa, có khi anh chỉ hiểu 50%, nên cứ ậm ừ, cười trừ rồi gật đầu “giả bộ” hiểu vậy thôi. Cơ mà sau 1-2 tháng thì anh cũng quen dần, hiện tại anh cũng đã nói nhanh hơn đáng kể, anh cũng lâu lâu bị ba “la” vì cái tật nói nhanh, làm dính chữ tùm lum, hì.
À, bật mí là điểm trung bình của anh hồi học đại học là khoảng 3.96-3.99/4.0, vốn hiểu biết ở Lê Hồng Phong đã giúp anh rất nhiều để đạt được kết quả này.
Tới tháng 3/2020, anh bay sang Anh để sinh sống và làm việc. Lúc anh sang thì Luân Đôn đang siết chặt do bùng dịch, nên anh không giao lưu văn hóa được nhiều lắm. Tuy vậy, anh rất thích cách người Anh định nghĩa từ “cổ”, bởi nó khác hoàn toàn so với những nơi anh từng đặt chân đến. Ví như một nhà thờ với tuổi đời 100 năm ở nước khác sẽ được coi là “nhà thờ cổ”, nhưng ở Anh thì, cái “cổ” ấy lại rất mới, rất tráng lệ, và kiến trúc nước Anh thật sự cũng rất đáng chiêm ngưỡng nữa. Hơn hết, với số lượng người nhập cư và du học sinh đông, túa về từ khắp nơi trên Thế giới, nét văn hóa độc đáo nhất của Luân Đôn, trong anh, đó chính là đa-văn-hóa. Gắn bó với Việt Nam gần 20 năm, cho anh một “quỹ câu chuyện” thật to lớn để trao đổi và trò chuyện với bạn bè quốc tế.
Và bởi tụi anh đều là những đứa con xa nhà, nên chủ đề về chuyện du học, sinh sống tại nước khác cũng không còn xa lạ gì trong các cuộc tán dóc, cũng từ đó mà anh đã trăn trở khá nhiều về câu hỏi “Liệu có nên đi du học?”. Đến giờ thì anh vẫn không có đáp án chính xác cho thắc mắc này, bởi anh không nghĩ mình muốn bảo người khác nên hay không nên, vì anh biết không phải ai cũng có được cơ hội này. Nếu có thể, anh mong các bạn hãy thử vươn đôi cánh và chớp lấy, vì đây là một dịp để hoàn thiện bản thân và trưởng thành hơn. Mặt khác, sẽ chẳng sao cả nếu bạn không đủ điều kiện cho một chuyến du học, bởi chúng ta đều sẽ có thể tỏa sáng, trên con đường của riêng mình mà.

Khi sang nước ngoài, tiếp xúc với nhiều thứ “lần đầu” thật độc đáo, anh có quá nhiều thứ muốn ghi lại. Anh từng cố gắng dùng nhật kí, nhưng có vẻ nó không hiệu quả lắm, khi mục tiêu tương lai của anh hiện giờ vẫn có mục “phải tập ghi nhật kí nhiều hơn”. Đó là lý do mà kênh Youtube của anh ra đời, anh muốn cho ba mẹ, cho bạn bè được cùng mình đi qua những nét đẹp, những khoảnh khắc và kỷ niệm của bản thân trên hành trình trưởng thành này.
Vậy đó, ban đầu kênh Youtube của anh chỉ là một sở thích thôi, nhưng giờ thì nó đã trở thành công cụ để truyền bá thông tin, mang năng lượng tích cực qua các câu chuyện của bản thân đến với mọi người, và là phương tiện giúp xây dựng thương hiệu cá nhân nữa.
Anh biết ơn vì qua Youtube, anh đã có nhiều cơ hội và trở nên phổ biến hơn. Song, điều đó cũng đôi lúc khiến anh cảm thấy có chút gánh nặng, khi vào “mùa bận”, thì kế toán thuế tụi anh phải làm việc tới 1-2 giờ sáng là chuyện bình thường, thời gian quay còn không có, huống gì là chỉnh sửa video. Anh vừa không muốn lơ là công việc chính, nhưng cũng không muốn các bạn phải đợi mình, nên anh luôn phải cố gắng cân bằng cả 2 thứ. Ngoài ra, anh được biết đến với những video dưới cương vị cựu học sinh Lê Hồng Phong, nên anh nhận thức được hành động và phát ngôn của mình sẽ được một số bạn lấy làm thước đo cho học sinh trường mình, thú thật là nó khiến anh thấy vẫn nhen nhóm tý áp lực. Nhưng anh biết mình cũng chỉ là một con người, như bao con người khác, anh đa chiều và hàm chứa nhiều khía cạnh, trên Youtube chỉ là một nhánh nhỏ của bản thân anh thôi, nên anh vẫn rất tự hào và yêu thương chính mình, vì tại sao lại không chứ? Khi chúng ta đều nên quý trọng bản thân mình.
Nếu một ngày anh thức dậy và nhận ra mình chưa từng làm Vlogger, anh nghĩ anh sẽ dành thời gian để làm những điều khác mà mình đã bỏ lỡ, như học một ngôn ngữ khác, học lập trình, đọc nhiều sách hơn,... Nghe có vẻ không tốt cho sức khỏe tinh thần lắm, nhưng anh thích giữ bản thân trong trạng thái bận rộn và có việc cần hoàn thành, nên anh không nghĩ mình sẽ thiếu những hoạt động khác nếu không làm Youtube. Mặt khác, anh sẽ thấy rất thiếu vắng đó, nên có khi anh lại tạo kênh mới và quay video, bắt đầu lại từ đầu ấy mà! *Cười*.
Đối với những bạn đã đăng ký và theo dõi kênh của anh, anh chỉ muốn nói với mọi người rằng, tuy mạng xã hội là giả, nhưng kết nối giữa chúng ta là có thật. Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng đoạn đường thanh xuân của mình, mình mong là bản thân có thể mang đến cho các bạn những điều tốt đẹp nhất, để chúng ta có thể đi cùng nhau, xa nhất, và dài nhất có thể.
Nhân đây thì anh cũng muốn gửi đôi lời đến các bạn Việt Nam đang đọc tới những dòng này. Gần đây anh khá buồn khi Luân Đôn vừa nới lỏng và mở cửa, thì nước mình lại gặp khó khăn trong mùa dịch. Chính vì thế, anh cảm thấy hơi có lỗi, và không cho phép bản thân được tận hưởng niềm vui được đi đây đi đó một cách quá thỏa thích. Anh cũng đã trải qua quãng thời gian “ru rú” trong nhà, thực sự cô đơn lắm, anh tin là một số bạn cũng đang cảm nhận được cảm xúc đó. Nhưng mọi người thấy không, giờ thì mọi thứ ở đây dần trở lại bình thường rồi, dù trước đó vô cùng căng thẳng luôn, nên nước mình cũng sẽ sớm làm được thôi, rồi mọi chuyện sẽ qua. Việt Nam tụi mình cố lên!
………
Cảm ơn anh Thanh Nhân, vì đã cùng chúng em tạo nên một “kết thúc” thật viên mãn cho chuỗi phỏng vấn “Tìm Về” bằng những chia sẻ rất đỗi thân thương, những vụn vặt gom nhặt từ ngày cũ, đan thành bao lời khuyên chân thành cho mai sau.
Khi “Tìm Về” hạ màn, là lúc trong ta mở ra những khát khao được tìm-về những hương vị thân quen, để tiến-tới bao vùng đất xa lạ.
Có lẽ, bài phỏng vấn cuối cùng, đã không dừng lại bằng dấu chấm, vì bạn, vì mình, vì người đọc, và vì cả năm chứng-Nhân đã góp mặt trong chuỗi phỏng vấn, đều sẽ tiếp tục cuộc hành trình của riêng ta - một lộ trình…
Comments