"CHÂU-SA" MỘT GIỌT MƠ THƠ
- Đoàn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
- Sep 8, 2021
- 13 min read
Chào đại gia đình Phong Lê, chị là Minh Châu - “hạt ngọc sáng trong” mà người người thường gán tặng qua cái-tên-bé-con của chị. Tìm về những-áng-thơ-kỉ-niệm, Lê Hồng Phong bỗng hóa căn gác nhỏ nơi tim, là chốn đợi, chốn chờ. Chẳng phải châu-báu-ngọc-ngà, chị vẫn là chị thôi, vẫn yêu Phong Lê trọn một ngàn ngày.

Ngàn Ngày Ngây Ngô
Khi cảm thấy nản lòng với việc duy trì tiến độ học tập trên lớp và tần suất tham gia các hoạt động, chị có nghĩ về LHP không? Điều gì ở "thời cấp ba" là động lực giúp chị vượt qua và tiếp tục theo đuổi đam mê?
Ngày xưa, chị học trường Quốc Tế rồi mới chập chững bước vào Lê Hồng Phong. Chông chênh giữa hai môi trường khác nhau, chị từng gặp nhiều áp lực với việc thích nghi, để bản thân không bị cô lập - bởi vốn dĩ đó là nỗi sợ lớn nhất của chị. Khi học lớp 10, chị lo lắng về việc bị đào thải và bỏ lại phía sau bởi các bạn các bạn đồng trang lứa vì ai cũng tài giỏi cả. Để rồi sau dần, chị mới nhận ra rằng thực ra, cơ hội mà Lê Hồng Phong dành cho mỗi người đều là như nhau.
Từ đó, chị luôn tự khuyên bản thân mình rằng phải sống và học tập như thế nào dưới mái nhà Phong Lê để xứng đáng với tấm phù hiệu in trên áo.
Năm lớp 11, điều Lê Hồng Phong cho chị không còn là áp lực mà là sự cân bằng giữa việc học và tham gia câu lạc bộ. Càng ngày tụi chị càng xem nhau như một gia đình, nên chị mong mình có thể làm tròn trách nhiệm với họ. Mà để thực thi được mong muốn đó, thì chị trước hết phải hoàn tất bài tập trên lớp thật chỉn chu để không phụ lòng những người đã tin tưởng mình. Niềm tin đó, là động lực vô cùng lớn để chị gạt qua cảm giác nản lòng đó.
LHP có phải là một phần trong những cảm hứng viết thơ của chị? Chị có thể chia sẻ một vài bài thơ về trường?
Khi lên cấp 3 được tiếp xúc với nhiều hoạt động ngoại khóa, chị bắt đầu tìm tòi thử sức ở mảng sáng tạo nội dung. Và để những mảng sáng tạo ấy tiếp cận được nhiều người hơn, thú vị sinh động hơn, chị nghĩ đến việc làm thơ. Để có được một góc nhìn nghệ thuật sâu sắc, nâng cao độ nhận diện của các dự án nói riêng và trường mình nói chung; chị bắt đầu đầu tư nhiều hơn về thơ và CLB Đội - Nhóm ở Phong Lê đã tiếp cho chị thêm niềm tin vào đam mê của mình.
Chắc chắn rồi, chị có sáng tác về trường mình. Lê Hồng Phong là một nguồn cảm hứng dạt dào, và với tư cách là một thành viên trong CLB Báo Chí, anh chị có cơ hội thực hiện một số bài truyền thông bằng thơ về trường, về tình bạn hay tình yêu trong sáng tuổi học trò. Không dừng ở đó, quy mô đưa thơ tiếp cận gần hơn với bạn trẻ còn được mở rộng hơn qua nội san Lê Hồng Phong.
Đây là một trong số rất nhiều bài thơ chị đã viết về Phong Lê nè:

Bước vào năm học mới, với vai trò là một "bà già" cuối cấp như chị đã bày tỏ trên trang cá nhân của mình, cảm xúc ngay bây giờ về 1000 ngày sống dưới mái nhà "Luôn-Hạnh-Phúc" của chị là gì?
Chị là một đứa hay suy nghĩ vẩn vơ nhiều - bản thân bộ não của chị đã được lập trình như vậy rồi. Chị thậm chí còn lưu cho mình app đếm ngày - đếm từng ngày còn lại ở Lê Hồng Phong. Đồng hành với CTTTK12 - Đồng Khởi từ giữa năm lớp 11, chị phải tập quen với việc viết tản văn ngắn về năm cuối cấp - nhiều đến mức dẫn tới nỗi ám ảnh về sự kết thúc, chia ly trong chị. Từ lần đầu xem các anh chị 1720 nhảy flashmob, chị đã nghĩ hoài về viễn cảnh ngày tốt nghiệp của bản thân. Chị biết chắc chắn mình sẽ khóc - bởi mới đó thôi, chị đã buồn rất nhiều.
1000 ngày - tuy thoạt nhìn qua là một con số có tận 4 chữ số nhưng ngắn ngủi lắm, chớp mắt một cái, chị đã là “bà già” cuối cấp thiệt rồi. Chính mình còn không tin nổi vào mắt mình nữa. Ba năm cấp ba của thế hệ của tụi chị đều phải học online, vì lẽ đó nên 1922 đến trường không đủ 1000 ngày. Một năm rưỡi gặp nhau qua màn hình, nhưng nếu xem đó là thiệt thòi thì chị nghĩ là không phải bởi Lê Hồng Phong sẽ luôn bù đắp cho mình bằng cách này hay cách khác. Nhưng chạnh lòng thì vẫn là một cảm giác thường trực trong tim.
Chị cố gắng không nghĩ nhiều đến cảm giác đó và hoạt động hết công suất, làm việc càng nhiều càng tốt để có được 1000 ngày trọn vẹn nhất theo định nghĩa riêng của mình.
Tưởng tượng bản thân đang ở Chương Trình Truyền Thống Khối 12, điều chị muốn làm nhất cho bản thân (hay bất kì ai chị muốn gặp) trong thời khắc đếm ngược là gì?
Chị nghĩ chị sẽ đi ôm cảm ơn bất cứ một người nào hiện ra trong đầu mình thời điểm đó . Bày tỏ ra tất cả những điều mà năm qua chị chưa kịp nói với các em lớp dưới. Chị cũng sẽ thực hiện những truyền thống dù không nói lên thành lời nhưng vẫn mãi tồn tại (như là các bạn nam đi thám hiểm nhà vệ sinh nữ và ngược lại) nè ^^. Đó cũng một điều sau cùng để chứng minh được: ở Lê Hồng Phong mình đã đặt chân qua không sót một ô gạch nào. Chị sẽ làm những điều nhỏ xíu vậy thôi - những cái nhẹ nhàng mà mình vừa khóc vừa làm được. Vì chị biết trước ngày đó mình sẽ mau nước mắt và sẽ buồn lắm.
Chị mong những gì mình chưa kịp làm sẽ không trở thành niềm tiếc nuối vào ngày cuối mà hôm đó, sẽ chỉ nhớ về mấy điều mãn nguyện nhất trong 3 năm ở Lê Hồng Phong thôi.
Một Thực Tại. Một Tương Lai
Ở vai trò một Gen Z năng động với thật nhiều kinh nghiệm đáng quý góp nhặt từ những dự án lớn (Founder/Manager tại 52.0 Hz, Thành viên ban Truyền thông at Đồng Khởi Lê Hồng Phong, Cà Kê tại À Ừ Ề Ờ và một điều không thể thiếu là Trưởng ban Truyền Thông CLB Báo Chí), điều gì khiến chị tâm đắc nhất khi từ "nhà" trở về nhà ?
Nếu nhắc đến điều chị tâm đắc hay một tổ chức ý nghĩa nhất mình được đặt chân vào thì chị sẽ không kể hết được. Mỗi dự án đều đóng vai trò nhất định trong cuộc sống của chị. Từng hành trình đi qua đều để lại nhiều bài học mà chị cảm thấy may mắn khi có được, những người bạn đã cùng đồng hành cùng mình trong một khoảng thời gian. Điểm chung giữa các project là chị đều giữ cương vị của một người sáng tạo nội dung, người kể ra những câu chuyện, người đưa con chữ thành hình - điều mà mình có thể chia sẻ, có thể được hiểu và được cảm nhận ở bất kể nơi đâu.
Ngòi viết của chị hướng đến những vấn đề xã hội nhạy cảm - điều khó nói thành lời (những bạn trẻ đã làm mẹ ở độ tuổi 16, 17,...) Thể hiện điều đó qua từng lời kể, khi từ Lê Hồng Phong trở về nhà, chị nhận ra có thể mình làm chưa tốt nhưng ít nhất vẫn trao gửi được một giá trị nào đó khiến bản thân cảm thấy tự hào. Lá thư chị viết đã được trao tận tay cho những người cần nó, được cộng đồng lắng nghe, nhiêu đó thôi đã khiến chị cảm thấy đúng đắn với những điều mình mong muốn và theo đuổi.
Có quá không nếu em/mọi người gọi chị là người truyền cảm hứng/người truyền lửa/dám dấn thân dám phá cách/người có ảnh hưởng/một học sinh toàn năng?
Hầu hết những người xung quanh và chính chị cũng cảm thấy không quen với những lời khen hay những cái tên người khác đặt cho mình. Chị hay suy nghĩ nhiều về sự cô lập nên cũng chưa quen với việc được đánh giá cao. Mà chị cũng cảm thấy việc mình bị “look down” có khi lại là sự nhìn nhận chân thực nhất, là động lực để làm mới, hoàn thiện mình mỗi ngày.
Những danh xưng người khác nói về, chị vẫn giữ trong lòng nhưng lúc nào cũng tự khuyên mình mỉm cười từ chối. Chị sẽ chỉ nhận danh xưng đó khi nào chị cảm thấy mình xứng đáng. Và nói về: “Khi nào cảm thấy mình xứng đáng?” thì chị nghĩ là không bao giờ vì chị muốn lấy những điều chưa hoàn hảo làm niềm động viên cho mình.
Còn về “toàn năng” thì chị chưa nghĩ mình đạt đến mức độ đó. Bởi tính chị hay thử, hay làm, hát hò cũng có, vẽ vời cũng có và các lĩnh vực khác nữa. Việc chị thử nhiều thứ như vậy không chứng tỏ được mình là một người toàn năng mà chị chỉ có thể nhận cái danh “dám dấn thân dám phá cách” mà thôi. Chị bỏ qua đúng sai, phải trái, mạnh yếu mà tiếp tục mở mang cái mới cho mình.
Chị sở hữu năng khiếu truyền thông đa phương tiện - đa phương diện (kết hợp nghệ thuật ngôn từ, nhiếp ảnh, âm nhạc lại với nhau), chị có chia sẻ gì về việc này không?
Điều đó sẽ là một thế mạnh khi em làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Nếu mình không kết hợp bất cứ yếu tố nào bên ngoài vào công việc thì bản thân phải là người thật xuất sắc khi chỉ đi đúng một con đường. Nên chị muốn mình có nhiều kỹ năng và thú thật thì chị là đứa siêu ôm việc luôn í. Chị sẽ khó hài lòng nếu công việc chị làm chưa đạt đến độ “chín” nhất định. Dù không xuất chúng nhưng có trong tay một số kiến thức chuyên môn cơ bản của lĩnh vực khác sẽ tạo điều kiện giao tiếp với những bạn giỏi hơn. Như chị vẫn có thể trò chuyện với các bạn Nhiếp Ảnh về mảng thiết kế để ra được bài truyền thông toàn diện và hoàn thiện. Người dẫn đầu với một vốn hiểu biết rộng theo chị sẽ nhận được sự lắng nghe và có tính thuyết phục trong feedback hơn.
Những bài thơ của chị nhận được rất nhiều lượt quan tâm trên mạng xã hội. Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường ngày của chị?
Về tâm lý, thì chị không nghĩ là mình ổn lắm vì có một số vấn đề khó thể thay đổi trong chị như xu hướng dễ tiêu cực - chị thường giữ nó trong ngôn từ. Nhận được một tầm ảnh hưởng nhất định trên MXH dù không nhiều nhưng mình phải chú ý văn phong, lời lẽ vì hầu hết followers của chị đều là người trẻ - đang trong quá trình xây dựng nhận thức đối với thế giới và nhân sinh quan của mình. Hạn chế truyền đạt điều lệch lạc bởi tư tưởng xấu rất dễ thâm nhập vào con người. Chị hay viết về sự tiêu cực nhưng không khuyến khích việc mình tự hại bản thân hay coi thường cuộc sống. Chị luôn cẩn thận với những vấn đề nhạy cảm bằng việc khai thác khéo hơn, chọn lọc, organized (có tổ chức) hơn.
Vốn từ nhỏ chị đã không giỏi nhớ mặt, nhớ tên thì càng dở. Ngoài não cá vàng thì bản thân cũng ngại quan hệ rộng, dù kết bạn nhưng chị vẫn introvert (thu mình vào trong) và rất khó trong giao tiếp. Trong cuộc sống thường ngày, nhiều em vẫy tay chào chị, hỏi chị nhớ mặt em không, chị rất vui và cũng cảm thấy thật lạ quá. ^^
Chị nhớ kỉ niệm với thầy giáo dạy Văn trong một dịp thi. Dù rọc phách giấu tên nhưng thầy vẫn nhận ra giọng văn của chị. Điều đó đủ làm chị tin vào tiếng nói riêng của mình và chị muốn duy trì nó để bản thân không bị lãng quên.

Chuyện Làm Thơ - Muôn Thời Để Nhớ
Điều gì mang chị đến với thế giới thơ và giữ chân chị ở lại với nó?
Chị đến với thơ từ hồi còn nhỏ chứ không đợi đến bây giờ. Từ sự hứng thú với những bài thơ với thanh âm bằng trắc đơn giản thuở lớp 1, lớp 2 đến bài phân tích sâu chị được học khi lớn lên, chị phần nào xác định được bản thân hợp với những phân môn về ngôn ngữ - ngoại ngữ và tiếng Việt. Cũng như may mắn thừa hưởng gen gia đình nữa nên chị rất trân quý. Bẵng đi một khoảng thời gian dài, Lê Hồng Phong tiếp nối ngọn lửa trong chị. Có giai đoạn chị không ngừng nghĩ về sáng tác, liên tục viết và phấn khích với sự công nhận, gắn chặt mình với hai từ "cống hiến".
“Chú lính đi ngoài biển”, thơ về ước mơ của trẻ con, về mong muốn được bảo vệ ba mẹ và gia đình chị viết ngày xưa - những điều ngô nghê đó đã giữ chân chị lại với thơ.
Được đọc qua vài dòng viết và nhận thấy thương hiệu vân chữ của chị đều mang sắc buồn, có khi là một lời tuyệt vọng. Nhưng những bài thơ vẫn hoài gieo hy vọng. Không biết đó có phải là phương châm làm thơ của chị?
Có những bài thơ chị không đặt để vào đó một điều gì cả vì đơn thuần chỉ viết về nỗi buồn. Thơ là nơi chị có thể cân bằng cảm xúc của mình với việc trút hết tâm sự vào con chữ. Không hẳn chỉ có viết về niềm vui mới mang lại giá trị. Nhiều người viết về sự tươi vui hay hơn chị và có những chất văn sinh ra để sống với chúng. Tiếng cười dù không hiện diện trên trang thơ nhưng chị vẫn mong rằng nụ cười sẽ là thành quả chị tạo ra khi độc giả đón đọc và sống vui trong đời.

Chị có dự định xuất bản "Châu-sa" (tuyển tập thơ) trong tương lai. Nếu được gửi đến bạn đọc một lời đánh giá/spoil nho nhỏ về đứa con tinh thần đầu tiên của mình, chị sẽ nói điều gì?
Xuất bản sách đối với mỗi nhà thơ là một sự công nhận khi thơ mình đã có những giá trị và độc giả nhất định. Khi deal với NXB, chị cảm thấy thật biết ơn những bạn đọc đã theo dõi chị từ khi mình chỉ mới công bố nghệ danh @pearlthesey hay tên sách @Châu-sa. Thứ chị được nhận còn nhiều hơn cả sức mạnh.
“Châu-sa” vẫn viết về tâm tư nhưng chị sẽ chứng minh nhiều điều để bạn đọc không còn xua đuổi nỗi buồn, có cái nhìn lạc quan hơn đối với cảm xúc tiêu cực lãng vãng trong tâm trí. Niềm vui trong “Châu-sa” sẽ chênh lệch nhiều với phần cảm xúc đối lập với nó.
Ranh giới giữa Nghệ Thuật Ngôn Từ và Nghệ Thuật Chữa Lành là một khoảng cách khá xa. Vậy với chị, nếu có thể đặt cho "những đứa con đang thành hình" của mình một cái tên thì chị sẽ chọn gì? Và vì sao?
Dĩ nhiên, chị sẽ không đắn đo, do dự gì mà chọn lấy "Nghệ Thuật Chữa Lành"
Mong rằng nỗi buồn của chị sẽ mang lại sự đồng cảm, chị buồn nhưng ít ra cũng là một sự buồn có ích.
Bạn đọc sẽ nhận ra: “À trên thế giới không chỉ có một mình mình buồn”. Ta có quyền được khóc với cảm xúc thật đẹp.
Đối mặt tương lai, chị có dự định chọn nền nghệ thuật này trở thành công việc chính của mình hay không? Chị suy nghĩ gì về việc trở thành một cây bút nổi tiếng?
Có nhiều điều được suy nghĩ nhiều nhưng không thể đoán trước tương lai. Nếu chị có được những tác phẩm theo đúng như mong muốn cũng như đủ điều kiện để nuôi sống bản thân. Dung hòa giữa giá trị vật chất và tinh thần, tùy thuộc vào yếu tố hoàn cảnh nếu được như vậy, chị sẽ cảm thấy rất may mắn.
Back up (dự phòng) cho bản thân những dự định chắc chắn hơn nhưng không hoàn toàn phủ định đi đam mê về nghề viết, chị sẽ tiếp tục rèn dũa mình với lĩnh vực này và theo đuổi sâu rộng hơn về con chữ qua Báo chí Truyền thông. Với chị, sự lựa chọn công việc theo đam mê đã là một sự mãn nguyện rồi. Với tất cả yêu cầu mọi người đặt ra với chị và chị đặt ra cho mình đều sẽ không đi quá xa văn chương, những thơ và nghệ thuật bay bổng đó. Như khi mắt em vẫn hướng lên trời nhưng chân em vẫn chạm đất.
Đó là một sự an toàn trong tương lai mà chị lựa chọn. Đưa con chữ đến cho nhiều người biết hơn vẫn là một điểm mạnh nên chị sẽ đi cả hai nghề song song như vậy.
Chào Em. Chào Bạn. Chào Tôi
Sau cùng, các bạn thế hệ 2023, 2124 cũng rất mong nhận được một lời nhắn từ chị, để tụi em thêm yêu và trân trọng những tháng năm còn lại với Phong Lê.
Đối với 2023, các em cũng đã trải qua một năm ở Lê Hồng Phong. Những bạn chưa xác định được việc bản thân nên theo đuổi là gì hãy bước qua ràng buộc với gia đình, với chính mình. Chị chỉ mong 2023 có thể làm những gì mà mình không cảm thấy hối tiếc. Khi em đã thích một điều ở Lê Hồng Phong, nếu là chị, chị sẽ làm cho bằng được việc đó trong tầm với của mình (không phạm vi như trốn học, cúp tiết ^^). Cứ nghĩ suy, không sợ sệt và biết nắm bắt. Chị từng hối tiếc vì mình đã dồn sức vào học tập mà bỏ lỡ nhiều hoạt động khác vào năm lớp 10. Một trăm, một ngàn tiết học sẽ trôi qua nhưng thứ em nhớ nhất trong chính cuộc đời mình là điều em làm cùng với các bạn ở Lê Hồng Phong - với CLB và đặc biệt hơn là với lớp của mình. Để sau này khi mất phương hướng, em vẫn còn một nơi để dựa vào.
Đối với 2124 - một thế hệ đặc biệt chưa từng có trong lịch sử của trường, các em đã qua nhiều thử thách thì cơ hội vẫn đang đón chờ vì Lê Hồng Phong không hề bỏ rơi một ai. Dù có áp lực, khó thích nghi hay sống với định kiến đi nữa nhưng chỉ cần muốn tỏa sáng thì chắc chắn có con đường. Mình cứ kiên định yêu Lê Hồng Phong một cách thật lòng thì sẽ được đáp đền. Người ta chỉ đánh giá em vào những việc mà em đã làm ở Lê Hồng Phong, nhận định được con người của em với Phong Lê như thế nào. Hành trình trước đó có lẽ bây giờ không còn quan trọng nên hãy cống hiến hết mình, làm điều mình thích ở đây.

Được lắng nghe, tâm tình với chị trong một buổi chiều đầy nắng, cảm ơn chị Minh Châu vì đã yêu Phong Lê và gởi niềm yêu ấy đến với chúng em một cách vẹn nguyên nhất.
Cách xa một màn hình nhưng khi nhìn lại vẫn có thể mỉm cười hoàn hảo theo cách không hoàn hảo ở nơi đựng cả kí ức và niềm yêu của nhiều thế hệ. Phong thư của chị đã được lưu giữ tại đây với người-nhận-không-tên. Nơi LHP-ers viết tên mình lên đó và vẽ Phong Lê vào tim mình.
Còn điều bất ngờ gì đang đợi phía trước? Bạn thử đoán xem qua gợi ý nho nhỏ dưới đây. Hẹn gặp lại bạn vào “Tìm Về”- kì 4, bạn nhé!

留言